Bắt bệnh Vespa cổ: Ambraya (bộ côn)
Thao tác côn-ga-số đúng kỹ thuật cùng việc bảo dưỡng định kỳ là bí quyết bảo vệ bộ côn của những "chú ong" cổ.
Facebook: https://www.facebook.com/piaggioviety1035/
Hotline: 0986.361.044
Côn hoạt động kém có thể gây nên nhiều hiện tượng như xe yếu, xe hú, máy kêu hay chuyển động giật cục
Hư hỏng về ambraya (bộ côn) là một trong những bệnh thường gặp ở các dòng Vespa cổ. Nguyên nhân gây nên tình trạng trên thì nhiều nhưng đa phần là do người điều khiển thao tác cắt nhả côn không tốt dẫn đến các hiện tượng như mòn lá côn, mòn vỏ nồi, mòn ti đồng… Trong khuôn khổ bài viết này, Autocar Vietnam sẽ đề cập đến một số vấn đề thường gặp đối với bộ côn.
Tổng quan về bộ côn
Bộ côn có vai trò cực kỳ quan trọng trong cấu tạo của bất cứ loại xe sử dụng động cơ nào. Đây là bộ phận kết nối hoặc ngắt truyền động từ pít tông – xi lanh (bộ hơi) và tay biên (cây dên) ra hộp số. Ở chế độ bình thường, khi nổ máy pít tông – xi lanh nhận được nhiên liệu và điện từ bu-gi gây hiện tượng đốt cháy nhiên liệu tạo nên lực, nếu không vào số thì quá trình đốt –xả cứ thế diễn ra. Nhưng khi thực hiện động tác vào số, lực từ sự chuyển động của bộ hơi truyền vào hộp số làm cho xe chạy. Tuy nhiên, nếu dí số khớp vào pít tông sẽ gây nên hiện tượng cản lực làm pít tông dừng đột ngột gây chết máy. Từ đó yêu cầu cần có một bộ phận truyền lực giữa 2 thành phần này với nhau. Thế là bộ côn (ly hợp, ambraya) ra đời.
Các chi tiết của bộ côn đầy đủ: vỏ nồi côn, lá côn, bánh răng côn, lò xo côn, vành giữ... |
Đối với các dòng xe Vespa cổ, động tác bóp côn có tác dụng làm ngắt truyền động từ pít tông, sau đó vào số đồng nghĩa với việc dí nhông chuyển động vào hộp số, tuy nhiên nếu vẫn bóp chặt côn thì xe sẽ không chuyển động. Khi thả côn từ từ cũng là lúc bắt đầu khớp truyền động từ pít tông qua tay biên vào hộp số làm xe bắt đầu chuyển động.
Do đó, đối với những người đi xe côn tay rời nói chung và Vespa cổ nói riêng, cần sự phối hợp giữa số - côn – ga. Người mới chơi vẫn hay nhận được câu khuyên của những người đi trước là “vào ga thì ra côn” với ý nghĩa rằng không được thả côn một cách đột ngột, việc làm này sẽ gây chết máy, việc thả côn phải thực hiện đồng thời với tăng ga để chiếc xe có thể chuyển động an toàn.
Mòn lá côn
Với cấu tạo bao gồm các bộ phận chính là vỏ nồi (vỏ bao ngoài bộ côn), lá côn với nhiều rãnh, lò xo, bánh răng côn trong đó bệnh hay gặp nhất là mòn lá côn. Nguyên nhân gây nên hiện tượng này có thể là do thao tác của người điều khiển. Việc ra côn không nhịp nhàng với tăng ga có thể gây hiện tượng mòn. Ví dụ dễ hiểu nhất là khi bạn đang ở chế độ số (1 hoặc 2,3,4), bóp chặt tay côn nhưng vẫn tăng ga, hoặc lúc bắt đầu vào số ra côn để di chuyển mà ga mạnh hơn so với độ ra của côn.
Lá côn ở xe Vespa cổ |
Hiện tượng nhận biết việc mòn lá côn là xe bị yếu, lúc vào số tăng ga xe ì một lúc mới di chuyển được hoặc khi có tải trọng (2 người) cảm giác lái xe rất yếu hoặc nặng thì bạn ra côn mà xe không di chuyển. Lúc này cần thay bộ lá mới. Việc thay thế có thể thực hiện tại nhà nếu bạn có đủ dụng cụ hoặc ra thợ.
Tiến hành tháo bánh sau ra, để nghiêng xe, tháo nắp bát côn, tháo toàn bộ bộ côn ra và thay thế lá côn mới vào. Kiểm tra độ mòn của các lò xo, khe hở trên bát côn có đủ chặt để giữ lá, bánh răng côn, ti đồng phía ngoài bát côn.
Xe bị hú
Rất nhiều xe Vespa cổ bị hú. Hiện tượng hú có thể xẩy ra cả khi nổ máy chế độ garanti hoặc lúc di chuyển. Đây là bệnh khó trị nhất trong các bệnh về côn. Nguyên nhân chính là do sự không đồng bộ của bánh răng côn và bánh răng tháp của hộp số. Đôi khi việc thay thế một mình bánh răng côn có thể làm hết hiện tượng hú, tuy nhiên cũng có trường hợp phải thay cả bánh răng tháp để đồng bộ cùng nhau. Thông thường, nếu bộ máy của Vespa chưa bị thay thế hay làm lại nhiều thì không có hiện tượng hú. Chỉ những xe nào bị thay thế các chi tiết tạo nên sự không ăn khớp với nhau mới gây bệnh này. Do đó, khi mua xe Vespa cổ cần đặc biệt chú ý lắng nghe tiếng máy để có thể dự đoán được phần nào.
Mòn ti đồng và đồng tiền
Ti đồng và đồng tiền là bộ phần truyền lực từ cần côn tác động vào trục côn. Ti đồng là một khối hình trụ nhỏ với chiều dài và đường kính chừng 1cm, phía đầu có rãnh sâu để ăn khớp với tay côn, đầu còn lại trơn nhẵn tỳ lên đồng tiền để đẩy trục côn vào hoặc ra. Khi tiến hành bóp côn, lực từ tay bóp truyền qua dây côn xuống tay côn, kéo tay côn tỳ mạnh ti đồng vào đồng tiền và trục côn làm ngắt truyền động giữa pít tông và bộ số, khi nhả côn ra, ti đồng tác dụng lực ít hơn làm bát côn bị đẩy ra ăn khớp với bộ truyền động.
Đồng tiền là bộ phận ở vị trí giữa bát côn nơi ti đồng tì vào để truyền lực từ cần côn vào bộ côn |
Nguyên nhân dẫn đến mòn ti đồng và đồng tiền có thể là do khô dầu máy. Bình thường lúc vận hành dầu máy có tác dụng bôi trơn hai bộ phận này cùng với bộ côn và các chi tiết khác, khi lượng dầu không đủ gây nên ma sát mạnh làm mòn ti đồng, đặc biệt có thể làm cháy đồng tiền nếu tiếp tục vận hành. Nguyên nhân thứ 2 là xe vận hành trong thời gian dài (3-5 năm) cũng gây nên hiện tượng mòn hai bộ phận này.
Triệu chứng của hiện tượng này là khi bạn bóp chặt hết côn vào số tăng ga mà vẫn tắt máy hoặc côn cắt không hết, tiến hành căng lại dây côn nhưng chỉ một vài ngày lại không cắt được côn. Sửa chữa bằng cách mở bánh sau, mở nắp côn, thay ti đông và đồng tiền đồng thời vệ sinh sạch nắp ốp côn (vì khi khô dầu, ma sát mạnh gây mòn ti sẽ tạo nên nhiều mạt đồng bám vào nắp côn) và đổ dầu máy đầy đủ (chú ý, dầu đổ máy xe Vespa là dầu 4 thì, khác với dầu 2 thì dùng để hòa vào xăng).
Hiện tượng bất thường khác
Ngoài những bệnh thường gặp ở trên thì bộ côn có thể xẩy ra các hiện tượng như:
- Gãy lò xo côn (bao gồm 6 lò xo và đĩa đựng). Việc một trong 6 lò xo này bị gãy hay không đảm bảo độ đàn hồi cũng gây nên những tiếng động bất thường.
- Mòn bánh răng côn, việc bảo dưỡng định kỳ bao gồm thay dầu máy thường xuyên sẽ làm giảm hiện tượng này cũng như đảm bảo đúng trọng tải, nhịp nhàng giữa côn-ga-số cũng sẽ đảm bảo độ bền cho các bánh răng.
- Rãnh bát côn bị rộng: Mỗi khi di chuyển và thực hiện bóp nhả côn, các lá côn di chuyển trong rãnh trên bát côn, lâu ngày gây nên hiện tượng rãnh bị rộng làm cho chuyển động các lá côn bị rơ gây hiện tượng côn kêu (khác với hiện tượng hú).
Đối với người chơi Vespa cổ, bộ côn tốt cực kỳ quan trọng do đó yêu cầu để đảm bảo sự vận hành trơn tru là việc bảo dưỡng xe định kỳ, kiểm tra lượng dầu máy để bổ sung kịp thời. Bên cạnh đó thao tác di chuyển, vào số, bóp côn, tăng ga cũng hết sức chú ý để tránh làm tổn hại đến bộ côn.
Nguồn: autocarvietnam.vn