Lịch bảo dưỡng định kỳ Piaggio Vespa

Trong 2 sản phẩm cùng điều kiện sử dụng như nhau, thì sản phẩm nào được bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên, sẽ hoạt động ổn định và tuổi thọ kéo dài hơn. Vậy để duy trì sự hoạt động bình thường và có hiệu quả của một sản phẩm chúng ta phải kiểm tra, bảo dưỡng theo định kỳ, không nên sử dụng quá kỳ hạn cần bảo dưỡng. Với xe Piaggio cũng vậy, trong sổ bảo hành có ghi rõ việc bảo dưỡng với các bộ phận khác nhau cũng như thay thế các chi tiết định kỳ. Việc sử dụng đúng cách, đúng chủng loại xăng, dầu.. và bảo dưỡng thường xuyên sẽ làm cho xe của bạn hoạt động ổn định và kéo dài tuổi thọ

Với bất kỳ một sản phẩm máy móc thiết bị nào khi sử dụng cũng cần phải bảo dưỡng. Vì sao vậy? Bởi trong quá trình sử dụng các chi tiết bị hao mòn bởi chuyển động, lão hoá theo thời gian, dưới tác động cơ học các mối liên kết có thể bị thay đổi cũng như bị bụi bám bẩn.

Vậy để xe luôn trong trạng thái hoạt động ổn định thì mỗi khách hàng khi mua xe nên đọc kỹ các hướng dẫn ghi trong sách: Hướng dẫn sử dụng và sổ bảo hành của Piaggio.

Đối với những khách hàng mua lại xe đã qua sử dụng hoặc đã bị thất lạc cuốn sổ bảo hành, chúng tôi xin được đưa ra lịch, nội dung bảo dưỡng định kỳ của các loại xe Piaggio 4 kỳ hiện nay đang có mặt tại thị trường Việt Nam. Các nội dung này dựa trên các quy định của Piaggio cũng như các điều kiện thực tế sử dụng tại Việt Nam.

ĐỐI VỚI XE 4 KỲ:

1.Từ 500 đến 1000 km đầu tiên ( Bảo dưỡng lần đầu ):
1.1 Thay dầu máy.
1.2 Thay dầu hộp số.
1.3 Kiểm tra bu gi.
1.4 Kiểm tra chế hoà khí và điều chỉnh tốc độ không tải.
1.5 Kiểm tra hoạt động của tay ga.
1.6 Kiểm tra độ ồn của động cơ (Khe hở xu páp, tăng cam…) và bộ truyền động.
1.7 Kiểm tra các đường ống nước, mực nước làm mát ( với xe làm mát bằng nước).
1.8 Kiểm tra độ rơ tay phanh, mực dầu phanh và độ mòn má phanh.
1.9 Kiểm tra hệ thống điện, đèn các loại, thêm nước bình ắc-quy.
1.10 Kiểm tra tình trạng bề mặt và áp suất lốp.
1.11 Kiểm tra hoạt động của giảm xóc (Rò dầu, tiếng kêu, tình trạng lò so).
1.12 Kiểm tra độ rơ trục tay lái.
1.13 Kiểm tra xiết chặt các bu lông, ốc vít.
1.14 Chạy thử xe.

2.Sau 3000 km:
2.1 Thay dầu máy.
2.2 Thay dầu hộp số.
2.3 Kiểm tra làm sạch lọc gió.
2.4 Kiểm tra các đường ống nước, mực nước làm mát ( với xe làm mát bằng nước).
2.5 Kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống truyền động ( côn trước, sau, dây cu roa tải)
2.6 Kiểm tra độ rơ tay phanh, mực nước dầu phanh và độ mòn má phanh.
2.7 Kiểm tra hệ thống điện, đèn các loại, thêm nước bình ắc-quy.
2.8 Kiểm tra tình trạng bề mặt và áp suất lốp.
2.9 Kiểm tra bộ chống rung.
2.10 Chạy thử xe.

3.Sau 6000 km:
3.1 Thay dầu máy.
3.2 Thay dầu hộp số.
3.3 Thay lọc dầu.
3.4 Kiểm tra làm sạch bu gi.
3.5 Kiểm tra làm sạch lọc gió, chế hoà khí và điều chỉnh tốc độ không tải.
3.6 Kiểm tra độ ồn của động cơ (Khe hở xu páp, tăng cam..).
3.7 Kiểm tra các đường ống nước, mực nước làm mát ( với xe làm mát bằng nước).
3.8 Kiểm tra và làm sạch hệ thống truyền động ( côn trước, sau, dây cu roa tải).
3.9 Kiểm tra độ rơ tay phanh, mực nước dầu phanh và độ mòn má phanh.
3.10 Kiểm tra hệ thống điện, đèn các loại, thêm nước bình ắc-quy.
3.11 Kiểm tra tình trạng bề mặt và áp suất lốp.
3.12 Kiểm tra và bôi trơn dây công tơ mét, dây phanh, tay ga (Nếu cần).
3.13 Kiểm tra xiết chặt các bu lông, ốc vít.
3.14 Chạy thử xe.

4. Sau 9000 km:
4.1 Thay dầu máy.
4.2 Thay dầu hộp số.
4.3 Kiểm tra làm sạch bu gi (Thay thế nếu cần).
4.4 Kiểm tra làm sạch lọc gió.
4.5 Kiểm tra các đường ống nước, mực nước làm mát ( với xe làm mát bằng nước).
4.6 Kiểm tra hệ thống truyền động ( côn trước, sau, dây cu roa tải).
4.7 Kiểm tra độ rơ tay phanh, mực nước dầu phanh và độ mòn má phanh.
4.8 Kiểm tra hệ thống điện, đèn các loại, thêm nước bình ắc-quy.
4.9 Kiểm tra tình trạng bề mặt và áp suất lốp.
4.10 Chạy thử xe.

5. Sau 12000 km:
5.1 Thay dầu máy.
5.2 Thay dầu hộp số.
5.3 Thay lọc dầu.
5.4 Thay dây cu roa tải.
5.5 Thay bu gi.
5.6 Thay dầu phanh.
5.7 Thay nước làm mát ( Với xe làm mát bằng nước).
5.8 Kiểm tra làm sạch lọc gió, chế hoà khí và điều chỉnh tốc độ không tải.
5.9 Kiểm tra độ ồn của động cơ, điều chỉnh khe hở xu páp.
5.10 Kiểm tra, xiết chặt các đường ống nước làm mát (Với xe làm mát bằng nước).
5.11 Kiểm tra và làm sạch hệ thống truyền động ( côn trước, sau, thay bi côn nếu cần).
5.12 Kiểm tra độ rơ tay phanh, độ mòn má phanh.
5.13 Kiểm tra hệ thống điện, đèn các loại, thêm nước bình ắc-quy.
5.14 Kiểm tra và điều chỉnh đèn pha.
5.15 Kiểm tra tình trạng bề mặt và áp suất lốp.
5.16 Kiểm tra và bôi trơn dây công tơ mét, dây phanh, tay ga.
5.17 Kiểm tra xiết chặt các bu lông, ốc vít.
5.18 Kiểm tra hoạt động của giảm xóc ( Rò dầu, tiếng kêu, lò xo).
5.19 Kiểm tra bảo dưỡng trục tay lái.
5.20 Kiểm tra, bảo dưỡng bộ chống rung.
5.21 Chạy thử xe.

Chú ý:
*  Định kỳ thay dầu máy là 1500 km ( Lần thứ 2 khi đến 1500 km)
*  Định kỳ thay dầu hộp số là 3000 km.
*  Định kỳ thay nước làm mát, dầu phanh là 12000 km hay 1 năm.

Các tin liên quan